Tuy quanh năm ngập mặn úng phèn nhưng điều kiện nghiệt ngã ấy không thể cản trở được sự sinh trưởng của tự nhiên. Đất có mặn có phèn thì đã có cây đước, cây mắm, cây bần, v.v. Chúng bám rễ vào đất uống nước để rồi hình thành hệ sinh rừng ngập mặn đặc trưng của đất mũi Cà Mau. Muốn khám phá hệ sinh thái này, chúng ta có thể đến rừng U Minh, bãi biển Khai Phong hoặc thậm chí đến cồn Ông Trang để tìm hiểu.

Cồn vốn dĩ là một hòn đảo nhỏ nhưng nó thấp hơn rất nhiều so với những hòn đảo ở ngoài biển. Chúng được cấu tạo chủ yếu từ cát và hình thành ở những con sông lớn. Với hệ thống sông suối kênh rạch phong phú như Việt Nam có rất nhiều cồn trên khắp cả nước. Song đa phần chúng đều mang đặc trưng của hệ sinh thái đồng bằng châu thổ hay miền núi chứ không phải hệ sinh thái rừng ngập mặn như cồn Ông Trang. Đây là sự khác biệt căn bản đồng thời cũng là đặc điểm riêng của cồn Ông Trang.
Sở dĩ cồn Ông Trang đặc biệt có lẽ là do vị trí địa hình. Bởi toàn bộ diện tích khoảng 122 ha của Cồn Ông Trang đều nằm trong khu du lịch vườn Quốc Gia mũi Cà Mau. Đặc biệt tọa lạc ngay cửa sông Cái Lớn – vị trí đầu tàu thông ra bãi bồi phía Tây mũi Cà Mau thuộc xã An Viên, huyện Ngọc Hiển giúp bồi đắp phù sa màu mỡ cho cồn. Hàng năm, bãi bồi tại khu vực này được mở rộng thêm từ 50-80 mét, tạo điều kiện cho nhiều loài thủy hải sản phát triển. Dù chia tách làm hai bộ phận trong và ngoài cửa sông ông Trang nhưng hệ sinh thái tại đây vẫn đồng nhất, từ đó hình thành điểm du lịch sinh thái đặc biệt.
Thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên vừa là quy luật vừa là ưu điểm của hệ sinh thái rừng ngập mặn tại cồn Ông Trang. Từ ngày đầu, chỉ có loài cây mắm trắng mới dám sống trên cồn thì giờ đã có cả một hệ sinh thái rừng ngập mặn với hơn 22 loài cây. Chúng vươn rễ bám vào đất sâu để giữ cho cát cho phù sa ở lại, giúp cho các loài động vật, thủy sản có nơi trú ngụ. Thế nên, hàng năm mỗi khi cơn gió lạnh đầu đông ghé qua là cồn Ông Trang lại đón những đàn chim di trú từ phương Bắc về Phương Nam. Chúng chọn nơi đây làm chốn dừng chân để nghỉ ngơi, bồ sung năng lượng trước khi tiếp tục hành trình bay về Châu Úc xa xôi. Rồi nguồn lợi hải sản, cua cá tôm có giá trị kinh tế cao ở đây đã giúp ngư dân dần cải thiện đời sống, hình thành nên điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Vẻ đẹp của Cồn Ông Trang không chỉ thể hiện ở giá trị kinh tế, ở hệ sinh thái. Bởi ngay từ bức tranh thiên nhiên, nó đã cho người ta thấy một vẻ đẹp chân chất bình dị hiền hòa của sông nước rừng cây. Bức tranh thiên nhiên đơn sắc không lòe loẹt sắc màu nhưng đủ mang lại những rung cảm khó quên trong lòng mỗi người.